- Những tưởng mối quan hệ "hữu hảo" đó sẽ bền chặt, thủy chung, nào ngờ những người bạn "bất hảo" đã "đi đêm" với nhau, hất Vinareco ra khỏi cuộc chơi không một chút băn khoăn! Sự thật vụ việc thế nào?
"Cuộc chơi" bắt đầu từ năm 2003, khi Vinareco "bắt tay" với Hãng Khoa học- công nghệ dược phẩm Polysan (LB Nga), tuy nhiên khi đó Polysan chưa được cấp VISA nhập thuốc vào Việt Nam.
Sang năm 2004, Bộ Y tế cấp Giấp đăng ký cho 2 loại thuốc của Polysan (Reamberin, dung dịch chống độc; Cycloferon viên và tiêm, loại thuốc chữa bệnh gan), mặc dù thuốc của Polysan chưa có "danh tiếng" ở thị trường Việt Nam, Vinareco vẫn quyết định nhập khẩu 2 loại thuốc của Polysan mục đích chính là tạo dựng thương hiệu trên thị trường. Vinareco đã nhập và tiêu thụ thuốc tại Việt Nam với giá trị 270.000 USD; sang năm 2005, Vinareco tiếp tục nhập và tiêu thụ tới 280.000 USD.
Và, ngày 14/6/2005, Polysan có văn bản khẳng định: "Hiện nay, Vinareco là nhà phân phối chính thức duy nhất các sản phẩm Cycloferon và Reamberin tại Việt Nam. Bất kỳ nhà phân phối nào khác đều là hoạt động trái phép và không được ủy quyền từ chính hãng Polysan". Hiểu rằng đây chính là "thương quyền" mà Polysan trao cho mình, Vinareco dốc toàn bộ sức lực, tiền của để các loại thuốc của Polysan thâm nhập, có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là đưa 2 loại thuốc đó vào Danh mục thuốc thiết yếu dùng trong bệnh viện, được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho bệnh nhân.
Năm 2006 và năm 2007, mỗi năm Vinareco nhập khẩu và tiêu thụ 2 loại thuốc của Polysan tới trên 1 triệu USD. Reamberin và Cycloferon đã có thương hiệu khá vững chắc trên thị trường Việt Nam.
Cần nói thêm, do không có chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp, Vinareco phải ủy thác cho Công ty dược phẩm trung ương II (Codupha) nhập khẩu thuốc của Polysan. Từ năm 2004 đến đầu năm 2008, Vinareco đã nhập khẩu ủy thác qua Codupha hơn 3 triệu USD thuốc của Polysan, phí ủy thác 0,8- 1,6% tùy theo từng năm.
Có một điểm cần lưu ý: Do "bệnh thành tích", để có những con số kim ngạch nhập khẩu "đẹp" tạo thành tích, được bình giá và khen thưởng, Codupha đã đề nghị với Vinareco rằng, không ký hợp đồng nhập khẩu ủy thác mà ký hợp đồng mua bán trong nước, trong đó quy định giá bán thuốc cho Vinareco là giá CIF+ phí ủy thác (0,8-1,6%), ghi bằng USD hoặc EURO, có nghĩa là Codupha chỉ được hưởng lãi gộp (phí ủy thác) rất nhỏ. Trong các hợp đồng ngoại ký với Polysan đều ghi rõ Vinareco là "nhà phân phối". Mặt khác, trong quá trình gần 5 năm "chơi" với Polysan, đại diện Codupha chưa một lần gặp đại diện Polysan, mặc dù 2 văn phòng đại diện hai công ty đều nằm ở Hà Nội. Tất cả các hợp đồng kinh tế, L/C đều do Polysan chuyển cho Vinareco xem xét, sửa chữa, chuyển cho Codupha ký tên, đóng dấu mà thôi
Nhằm "làm thị trường", Vinareco cũng phải có những đại lý phân phối thuốc, đó là: Công ty TNHH thương mại dược phẩm Thống Nhất (Hà Nội), Công ty CP dược phẩm Y Phương (Đà Nẵng), Công ty CP dược phẩm Thanh Phương (TP.HCM, tách ra từ Công ty Thống Nhất giữa năm 2007).
"Cuộc chơi" này sẽ diễn ra bình thường, không có gì gay cấn nếu các bên đều chơi đúng luật, đúng đạo lý, không có những hành vi chơi xấu. Tiếc thay, thương trường đã biến thành chiến trường!
Khoảng tháng 5/2008, Vinareco bất ngờ phát hiện Công ty Thanh Phương "âm thầm lặng lẽ đi đêm" nhập khẩu tới 500.000 USD 2 loại thuốc Reamberin và Cycloferon của Polysan về tiêu thụ tại Việt Nam. Tìm hiểu "tổ con chuồn chuồn", Vinareco phát hiện ra những điều trớ trêu, trò "lá mặt lá trái" của những "người bạn" của mình:
Do không ép được Vinareco tăng giá thuốc lên cao (Vinareco không thể tăng giá thuốc vì Thủ tướng Chính phú đã có chỉ đạo Bộ Y tế bình ổn giá thuốc chữa bệnh, hơn nữa, giá thuốc đấu thầu tại các bệnh viện không thể thay đổi, tăng lên), Polysan quay ngoắt, qua mặt Vinareco tìm đến bắt tay với Công ty Thanh Phương- chính là đại lý của Vinareco- nhằm làm đối trọng với Vinareco.
Ngày 1/3/2008, Polysan có Giấy ủy quyền (ký tên đóng dấu trên bản tiếng Việt, trái với thông lệ quốc tế), nội dung như đã từng khẳng định với Vinareco: Hãng Polysan ủy quyền cho Công ty CP dược phẩm Thanh Phương là nhà phân phối duy nhất các sản phẩm Reamberin và Cycloferon của hãng ở miền Trung và miền Nam trong năm 2008. Căn cứ vào giấy ủy quyền này, Codupha hăm hở ký hợp đồng với Polysan, nhập khẩu thuốc về cho Công ty Thanh Phương tiêu thụ.
Sự "đi đêm" với nhau của Polysan, Codupha, Công ty Thanh Phương đã gây những hậu quả "lạnh sống lưng" đối với Vinareco: Hợp đồng hàng chục tỷ đồng đã ký giữa Vinareco và Công ty Thanh Phương bị phá bỏ: Vinareco mất thị trường; số thuốc mà Vinareco đã nhập về khó tiêu thụ, tồn kho, cận date… Bao công sức cộng với hàng tỷ đồng bỏ ra tạo dựng thương hiệu cho Polysan trên thị trường Việt Nam trong chốc lát thành "công dã tràng"!
Cực chẳng đã, Vinareco phải khởi kiện Polysan tới Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh VCCI. Trong tài quốc tế đã thụ lý vụ kiện, sẽ xét xử trong thời gian gần đây.
Kỳ sau: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Trần Phương
Hữu hảo thành bất hảo!
Nhãn:
Thông tin dược
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét