Giá thuốc chưa chịu giảm

Người tiêu dùng vẫn phải mua thuốc với giá cao trong khi giá đầu vào sản xuất thuốc đã giảm. Ảnh: N.DUNG
Hiện nay, một số doanh nghiệp dược phẩm đã xin giảm giá các sản phẩm thuốc, mức giảm cao nhất lên đến 34%. Tuy nhiên, trên thị trường, hầu hết các mặt hàng thuốc nội và ngoại nhập vẫn được bán với giá cũ, thậm chí có một số loại thuốc ngoại nhập được bán với mức giá tăng khoảng 10%

Khảo sát thị trường dược phẩm sỉ tại khu vực chợ thuốc ở đường Tô Hiến Thành, quận 10 -TPHCM, hầu hết các loại thuốc nội, ngoại nhập đều giữ giá cũ sau đợt tăng giá đầu tháng 7-2008.

Giá bán lẻ tùy theo nhà thuốc

Ngày 1-7, Bộ Y tế đã chính thức cho phép các sở y tế tiếp nhận hồ sơ xin điều chỉnh tăng giá thuốc của các công ty dược phẩm. Trước đó, vào ngày 2-4, Bộ Y tế đã có công văn ngưng xem xét tăng giá thuốc. Được “cởi trói” sau 3 tháng bị kìm giá, các doanh nhiệp (DN) dược đã đồng loạt yêu cầu tăng giá nhiều mặt hàng thuốc. Tính từ đầu năm đến nay, đây là đợt tăng giá thuốc mạnh nhất với lý do chính mà các DN dược đưa ra là chi phí đầu vào của nguyên vật liệu tăng, giá xăng tăng, kẹt vốn ở các bệnh viện, lãi suất ngân hàng tăng, tỉ giá ngoại tệ tăng... Tuy nhiên, cho đến nay, khi giá xăng giảm, vật giá chung đã giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng không còn “sốt” như trước đây, giá thuốc vẫn còn cao chót vót.

Cụ thể, mặt hàng vitamin trước đây tăng giá rất mạnh, do giá nhập nguyên vật liệu tăng thì hiện nay vẫn giữ ở mức cũ. Vitamin B1 và vitamin B6 do VN sản xuất cũng khoảng 200 đồng/viên, còn vitamin E 400 IU khoảng 500 đồng/viên... Hoặc nhóm kháng sinh VN như Ofloxacin 200 mg vẫn được bán ra với giá sỉ là 200 đồng/viên, còn Ditiny 500 mg giá 700 đồng/viên hay thuốc Bivinadol hoặc Ibuprofen vẫn giữ mức giá từ 200 – 300 đồng/viên.

Mặc dù giá thuốc sản xuất trong nước được bán ở các nhà thuốc sỉ không tăng, nhưng ở các nhà thuốc bán lẻ, do người mua không biết rõ giá từng loại nên mỗi nhà thuốc bán với mỗi giá khác nhau, tùy theo mặt bằng và độ “hoành tráng” của nhà thuốc. Cụ thể như thuốc kháng sinh Ofloxacin 200 mg ở nhà thuốc sỉ là 500 đồng/viên, ở một nhà thuốc nhỏ ở quận Bình Thạnh là 700 đồng/viên, nhưng ở nhà thuốc lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai lên đến 1.000 đồng/viên.

Thuốc ngoại tăng giá “lén”

Cho đến thời điểm hiện nay, Sở Y tế TPHCM đã nhận được hồ sơ từ các DN dược phẩm, chủ yếu là các DN trong nước xin giảm giá 10 mặt hàng. Trong đó có một số mặt hàng giảm giá mạnh (14% - 34%) như: Hapacol, Hamett, Hagisen (Hậu Giang giảm 14% - 15%); Liptamin, Notizole (Viễn Đông giảm 20% - 34%); Ropexid (Dược phẩm 2-9 giảm 21%)...

Đối với thuốc nhập khẩu, bên cạnh một số loại không giảm giá thì cũng có một số mặt hàng tăng giá, mặc dù mức tăng không nhiều. Cụ thể, thuốc giảm đau Efferalgan (nhập khẩu từ Pháp) hiện nay là 33.000 đồng/hộp, theo lời chị Tú ở một cửa hàng thuốc thì mặt hàng này tăng 10% trong khoảng thời gian 2-3 tuần gần đây. Ngoài ra, còn có những loại thuốc nhập khẩu cũng mới tăng giá trong vòng một tháng qua như thuốc Clozapyl (Ấn Độ) tăng từ 4.800 đồng lên 5.300 đồng/viên, thuốc Duxil (Pháp) cũng tăng từ 3.100 đồng lên 3.400 đồng/viên. Cũng có những loại thuốc tăng giá rất nhẹ và người mua khó phát hiện nếu không phải là bệnh nhân được điều trị thường xuyên. Ví dụ như Parnus của Hàn Quốc tăng từ 1.500 đồng lên 1.550 đồng/viên, hoặc thuốc Betaserc 16 mg cũng tăng khoảng 100 đồng/viên. Đây cũng là cách tăng giá thuốc “nhỏ giọt” mà các DN dược thường áp dụng nhằm tránh sự chú ý của nhà quản lý lẫn người tiêu dùng.

(Theo NLĐ)

Không có nhận xét nào: