Khởi đầu là Polysan- hãng cung cấp thuốc, tiếp đó là Codupha- doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác, rồi đến Vinareco- doanh nghiệp nhập khẩu và tiêu thụ nội địa, sau đó mới đến Công ty Thống Nhất, Công ty Y Phương và Công ty Thanh Phương- những đại lý "ruột" của Vinareco. Trong 4 năm, hơn 3 triệu USD thuốc vẫn đi theo con đường đó suôn sẻ. Đột ngột, sang năm 2008, con đường đó đến Codupha được bẻ ngoặt, ngầm vượt sau lưng Vinareco đến thẳng Công ty Thanh Phương. Và, Codupha chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự bội tín, khiến thương trường trở thành chiến trường.
Lật ngược thời gian, từ năm 2004 đến đầu năm 2008, Vinareco đã ủy thác cho Codupha nhập khẩu hơn 3 triệu USD thuốc Reamberin và Cycloferon của Polysan về tiêu thụ trong nước, hưởng phí nhập khẩu ủy thác từ 0,8 đến 1,6% giá trị lô hàng nhập khẩu, tùy theo từng năm. Thực chất, hai người "chơi chính" trong "cuộc chơi" này là Polysan và Vinareco, còn Codupha chỉ là "người làm thuê", hưởng chút phí nhập khẩu ủy thác và các công ty đại lý của Vinareco cũng vậy.
Phải chăng vì chỉ được hưởng lợi nhỏ nên các "bạn Việt" của Vinareco quay ngoắt, bội tín, "đi đêm" với doanh nghiệp nước ngoài? Dù có biện minh bằng những lý lẽ nào đi chăng nữa, những việc làm đó vẫn thể hiện rõ như ban ngày cái sự "tham vàng bỏ ngãi"!
Giữa năm 2008, Vinareco bất ngờ phát hiện Công ty Thanh Phương nhập khẩu tới 500.000 USD thuốc của Polysan về tiêu thụ tại Việt Nam. Trớ trêu thay, chính Codupha nhập khẩu ủy thác cho Công ty Thanh Phương số thuốc đó dựa trên giấy ủy quyền không phù hợp thông lệ quốc tế của Polysan ký ngày 1/3/2008 (Tổng giám đốc Polysan ký tên đóng dấu trên bản tiếng Việt) ủy quyền cho Công ty Thanh Phương là nhà phân phối duy nhất các sản phẩm Reamberin và Cycloferon của Polysan ở miền Trung và miền Nam trong năm 2008.
Codupha biết rất rõ năm 2005, Polysan đã ủy quyền cho Vinareco là nhà phân phối chính thức duy nhất các sản phẩm Cycloferon và Reamberin tại Việt Nam, vì sao vẫn tiếp tay cho Polysan? Công ty Thanh Phương mới được Công ty Thống Nhất "đẻ" ra từ giữa năm 2007, chưa có tiếng tăm trên thị trường dược phẩm Việt Nam, chỉ là một đại lý của Vinareco tại miền Nam, sao được cả Polysan và Codupha ưu ái đến nhường vậy? Vinareco đã có văn bản gửi Codupha yêu cầu giải thích về việc nhập khẩu ủy thác thuốc của Polysan cho Công ty Thanh Phương, song câu trả lời là... sự im lặng. Phải chăng đây chính là bước dọn đường của "liên minh ma quỷ" nhằm "cắt cầu" Vinareco trong năm 2008?
Sau vụ "đi đêm" nhập khẩu thuốc của Polysan, bản thân Codupha đã có động thái rất... "nghịch". Khi xảy ra sự bất đồng giữa Vinareco và Polysan, Codupha đã nhảy ra ngoài cuộc, thậm chí còn hăm hở ủng hộ Polysan.
Trong khi Vinareco đang khiếu nại về việc Polysan xâm hại thương quyền (nguyên nhân do Vinareco không đáp ứng yêu cầu tăng giá thuốc lên cao của Polysan), ngày 4/9/2008, ngày 20/10/2008 rồi ngày 5/11/2008, Codupha liên tiếp gửi công văn tới Vinareco yêu cầu thanh toán các khoản nợ cho Polysan. Đặc biệt, ngày 11/11/2008, Codupha có công văn số 305/CNHN gửi Vinareco như một tối hậu thư: Đến ngày 20/11/2008, nếu Vinareco chưa trả nợ thì Codupha buộc phải trả 148.642,56 Euro cho Polysan và tự xử lý lô hàng.
Rất đáng chú ý một việc làm khó hiểu- một dấu hỏi lớn- của Codupha: Ngày 10/11/2008, Vinareco đã khởi kiện Polysan tới Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh VCCI. Theo yêu cầøu của Trung tâm trọng tài quốc tế, ngày 20/11/2008, TAND thành phố Hà Nội có Quyết định số 256/2008/QĐ.BPKCTT nội dung: Dừng thanh toán số tiền 148.642,56 Euro tại L/C số 900100800474 mở ngày 25/4/2008 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh TP Hồ Chí Minh, quyết định này có hiệu lực ngay và thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, khi quyết định của tòa được tống đạt đến ngân hàng ngay trong ngày thì ai cũng... "ngã ngửa người": Codupha đã thanh toán khoản tiền này cho Polysan 1 tuần trước rồi.
Vì sao Codupha đòi nợ hộ Polysan, đặt ra hạn chót 20/11 song lại hăm hở trả tiền cho Polysan trước đó 1 tuần? Đây là "chiêu thức " vô hiệu hóa quyết định của tòa án? Số tiền 148.642,56 Euro (tương đương 3 tỷ đồng) đó của chính Codupha hay là đi vay, hoặc tiền của ai khác? Codupha sẽ được hưởng lợi gì trong vụ thanh toán tiền này? Lô hàng này Codupha chỉ được hưởng phí nhập khẩu ủy thác 1,6% (khoảng 46 triệu đồng), Vinareco đã trả 20% giá trị hợp đồng để mở L/C ngày 25/4/2008. Phải chăng Codupha tự ý trả tiền nhằm chiếm đoạt luôn lô hàng của Vinareco rồi bán với giá cao?... Đây là những câu hỏi bỏ ngỏ câu trả lời.
Tại đơn khởi kiện bổ sung ngày 25/11/2008, Vinareco khẳng định: Codupha chính là doanh nghiệp đã gián tiếp và trực tiếp gây ra những hậu quả xấu, làm tổn thất nghiêm trọng cho Vinareco. Codupha đã tiếp tay cho Polysan lén lút nhập khẩu thuốc cho Công ty Thanh Phương nhằm làm đối trọng với Vinareco, tạo điều kiện cho Polysan tăng giá thuốùc lên cao, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng bình ổn giá thuốc chữa bệnh...
Sắp tới, khi Trung tâm trọng tài quốc tế xét xử vụ kiện này, hy vọng mọi cuộc "đi đêm ăn tiền" sẽ được đưa ra ánh sáng.
Trần Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét