Tại buổi hội thảo “Vai trò của nhà thuốc GPP trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng” do Sở Y tế TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 4-3, ngoài phần phát biểu tổng kết chỉ đạo, TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí với tinh thần trao đổi thẳng thắn những vấn đề xung quanh chủ trương triển khai áp dụng nguyên tắc – tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) – vấn đề được xem là nóng nhất với giới kinh doanh dược phẩm hiện nay. Báo SGGP xin trích đăng phần trả lời của TS Cao Minh Quang trước những chất vấn của các cơ quan thông tấn.
- Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc triển khai GPP trong các chuỗi nhà thuốc không khả thi vì với cơ chế hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư GPP sẽ bị lỗ nặng, thực tiễn của thị trường đã chứng minh điều này. Bộ Y tế đã chuẩn bị đối sách gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có định hướng đầu tư cho nhà thuốc GPP hay chuỗi nhà thuốc GPP?
TS CAO MINH QUANG: Đúng là việc triển khai, áp dụng GPP trong giai đoạn đầu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như nhận thức về GPP của các cấp lãnh đạo (Sở Y tế, bệnh viện), doanh nghiệp và cộng đồng còn hạn chế; hệ thống văn bản chưa đồng bộ giữa lĩnh vực dược và điều trị: thiếu danh mục thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn (OTC), thuốc hiếm, hiệu lực thực thi của Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn chưa cao, trình độ của người bán để hướng dẫn sử dụng thuốc chưa đáp ứng yêu cầu, hiện tượng kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc còn phổ biến... Những điều này cùng với việc chi phí đầu tư cho nhà thuốc hay chuỗi nhà thuốc GPP là khá lớn nên giai đoạn đầu hoạt động của nhà thuốc sẽ dễ bị thua lỗ nặng.
Nhận thức được khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Y tế cũng như các Sở Y tế địa phương đã và đang triển khai các giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhà thuốc hay chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến về nhà thuốc đạt chuẩn GPP để người dân có thể hiểu rõ được lợi ích và tầm quan trọng của nhà thuốc GPP, tiếp cận nhiều hơn với mô hình này; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về GPP cho các doanh nghiệp, chủ nhà thuốc; ưu tiên thời gian thẩm định, cấp phép cho nhà thuốc GPP hoạt động. Ngoài ra, về lâu dài, Bộ Y tế cũng sẽ có những hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp thực hiện nhà thuốc GPP như: xem xét quy định cho một dược sĩ đại học có thể đảm bảo chất lượng cho toàn bộ chuỗi nhà thuốc GPP; nhà thuốc GPP được kinh doanh tất cả các loại thuốc (thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc hiếm) trong khi đó nhà thuốc không đạt chuẩn sẽ có lộ trình để hạn chế phạm vi kinh doanh như chỉ được bán thuốc thông thường. Không chỉ thế, các doanh nghiệp triển khai nhà thuốc GPP sẽ được nhập khẩu trực tiếp thuốc để cung ứng cho toàn bộ chuỗi, không phải ủy thác nhập khẩu...
- Như ông vừa nói thì hệ thống văn bản liên quan hiện vẫn chưa đồng bộ và còn khập khiễng. Vậy nếu Bộ Y tế kiên quyết thực hiện GPP thì nền tảng pháp lý ở đâu để vận hành và chi phối. Sự kiên quyết này có phải là quá vội vàng và duy ý chí hay không?
Quy định pháp lý cao nhất đó là Luật Dược đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2000, trong đó quy định Bộ Y tế xây dựng, ban hành và triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt (G.P) với nội dung và lộ trình thực hiện phù hợp với thực tiễn phát triển ngành. Để triển khai GPP thành công thì một đòi hỏi cấp thiết là cơ quan quản lý phải sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp lý liên quan như: vấn đề kê đơn thuốc; danh mục OTC, danh mục thuốc kê đơn, quy định về trình độ cán bộ chuyên môn trong nhà thuốc, các quy định về hoạt động của phòng khám tư nhân; các quy định về xử phạt hành chính... đảm bảo một nền tảng pháp lý đầy đủ, đồng bộ để chi phối cũng như đảm bảo có sự khuyến khích, hỗ trợ cần thiết cho việc thực hiện GPP. Sự kiên quyết này hoàn toàn không duy ý chí và quá vội vàng vì việc áp dụng GPP đã có lộ trình cụ thể, thậm chí có thể điều chỉnh lộ trình nêu thấy cần thiết.
- Lộ trình mà Bộ Y tế đưa ra là từ nay đến cuối năm 2010, tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt GPP, thời gian này đưa ra có vội vàng quá hay không? Bộ Y tế có nghĩ là nên kéo dài lộ trình này thêm vài năm nữa hay không?
Việc đặt ra lộ trình bắt buộc áp dụng đối với nhà thuốc dựa trên một số yếu tố: số lượng nhà thuốc; thực tiễn hoạt động; các tồn tại của nhà thuốc hiện nay so với nguyên tắc-tiêu chuẩn GPP và việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương chính sách để khuyến khích áp dụng GPP.
Kim Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét