Viện nghiên cứu Tamri, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ là cơ sở y tế đầu tiên được Viện vi sinh và chống dịch Stanford (Đại học Stanford, Mỹ) đào tạo xét nghiệm viêm gan B. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do virus tại Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng được diễn ra trước khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị Apec 2023.
Ông David Entwistle, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Stanford Medicine khẳng định, trong cuộc cách mạng công nghệ y sinh hiện nay, sự nỗ lực hợp tác về hệ thống y khoa của Đại học Stanford cùng với Bệnh viện Tâm Anh và Viện nghiên cứu Tâm Anh cho thấy việc tập hợp được những đơn vị đẳng cấp thế giới để tạo ra các nghiên cứu hàng đầu và tin rằng sự hợp tác với Tâm Anh sẽ tạo ra những phát minh khoa học mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Giáo sư Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện Vi sinh và chống dịch Stanford, người mang về nhiều nhất các nguồn tài trợ cho nghiên khoa học đồng thời là trưởng nhiều đề tài, phát minh thuốc điều trị các bệnh do virus, đặc biệt là virus viêm gan cho biết, điểm nổi bật trong hợp tác khoa học và đào tạo giữa ViRx@Stanford và Tamri được nhấn mạnh trong buổi lễ là vấn đề tầm soát viêm gan siêu vi D.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy, người nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan còn tăng gấp nhiều lần. Một trong những nguyên nhân được nghĩ tới là do virus viêm gan D. Tuy nhiên Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm viêm gan D này.
Việc tiếp nhận đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D từ Stanford sẽ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do virus tại Việt Nam, mang lại những lợi ích lớn cho người bệnh. Đặc biệt, hiểu biết rõ về bệnh cảnh viêm gan siêu vi D tại Việt Nam cũng đóng góp nhiều thông tin quan trọng cho nhà khoa học trên thế giới hoàn thiện các thuốc tiềm năng điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Đại diện Viện nghiên cứu Tamri, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng cho biết, Viện nghiên cứu Tâm Anh đã lựa chọn các chuyên gia, bác sĩ giỏi của Hệ thống ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đưa sang tiếp nhận đào tạo tại Stanford về cả lâm sàng (khám, chữa bệnh) và Labo (phòng xét nghiệm).
Với lợi thế sở hữu 3 bệnh viện đa khoa lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tamri có hệ thống phòng Labo hiện đại, đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, sẽ thuận lợi và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật xét nghiệm quan trọng như viêm gan siêu vi D trên số lượng lớn ngay khi hoàn thành tiếp nhận đào tạo từ Stanford.
"Việc triển khai các hoạt động đào tạo, cập nhật khoa học và tiến tới triển khai xét nghiệm viêm gan D vừa giúp các bác sĩ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các hoạt động khoa học mới, đồng thời cũng giúp các nhà khoa học Hoa Kỳ có thêm nhiều thông tin từ thực tế lâm sàng, đóng góp cho quá trình nghiên cứu các bệnh lý và các phương pháp khám, chữa bệnh hiệu quả", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói.
Sự kiện ký kết giữa Viện Nghiên cứu của Tâm Anh, Việt Nam và ViRx@Stanford, Hoa Kỳ chính là hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược quan trọng để tiến tới những thành tựu chung, cụ thể trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe đã được 2 viện đặt ra trong thỏa thuận ký kết hồi tháng 9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Đó là 4 mục tiêu: Đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét