Vì sao giá thuốc tăng?

PGS.TS Lê Văn Truyền - Ảnh: K.S.
TT - Nhiều mặt hàng tiêu dùng đã giảm giá nhưng giá thuốc thì không, thậm chí còn tăng. Tại sao? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - nói:

- Đến cuối năm 2008 các dấu hiệu suy thoái trong lĩnh vực dược phẩm đã bắt đầu lộ diện. Cơ quan quản lý nhà nước về dược phẩm đang lo ngại nguy cơ các doanh nghiệp (DN) sẽ phải thu hẹp sản xuất do kinh doanh không hiệu quả, không có tích lũy để tái đầu tư, nhiều dự án đầu tư mở rộng năng lực sản xuất phải hoãn lại sẽ dẫn đến giảm nguồn cung.

Có thể nói công nghiệp dược VN đang phải đối đầu với “cơn bão” khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc mở cửa thị trường theo cam kết WTO sẽ thúc đẩy sự hiện diện thương mại của các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh mẽ cũng là một đòn “hồi mã thương” đối với công nghiệp dược nội địa.

* Hiện cuộc sống người dân đang khó khăn, nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm giá nhưng giá thuốc vẫn không giảm, thậm chí có mặt hàng tăng. Tại sao?

- Thị trường dược phẩm VN được chia thành hai phân khúc chủ yếu: thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 52% (năm 2008) và thuốc nước ngoài (nguyên liệu, thuốc biệt dược và một số thuốc gốc) chiếm khoảng 48% (năm 2008). Với thuốc sản xuất trong nước mà đa số là thuốc gốc, cơ chế cạnh tranh về giá và chính sách quản lý giá của Nhà nước trong những năm gần đây đã phần nào kiềm chế được sự tăng giá.

Thế nhưng có một thực tế là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh không dựa trên chất lượng thuốc mà chủ yếu dựa vào các “thủ thuật kinh doanh”, điều đó làm các DN hướng vào chất lượng bị hụt hơi, vì hiệu quả kinh doanh không tương xứng với số vốn đầu tư cho khoa học - công nghệ và chất lượng. Lòng tin của người tiêu dùng đối với thuốc nội cũng giảm sút. Tình hình này làm thuốc nội có khuynh hướng “giảm giá tương đối” nhưng kèm theo là mối lo về chất lượng. Số liệu của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng cho thấy trong thời gian qua, tỉ lệ thuốc kém chất lượng và thuốc giả đang có xu hướng tăng trên thị trường VN.

Thuốc nước ngoài, chủ yếu là các sản phẩm độc quyền, chắc chắn sẽ liên tục tăng giá vì các lý do: là những thuốc “sống còn” mà bệnh nhân không thể không dùng; thị trường thuốc biệt dược nước ngoài tại VN là thị trường không hoàn hảo do yếu tố độc quyền được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ, không có sản phẩm cạnh tranh trong nước; quyền thương mại của các công ty nước ngoài được mở rộng sau khi VN gia nhập WTO và các rào cản bảo hộ thuốc trong nước từng bước được dỡ bỏ. Dù vậy, các công ty dược phẩm đa quốc gia vẫn chưa bằng lòng với thời hạn sở hữu độc quyền 20 năm theo quy định trong Hiệp định TRIP’s.

Hiện họ đang ráo riết vận động hành lang sửa đổi, bổ sung Hiệp định TRIP’s để yêu cầu tăng thời hạn độc quyền thêm năm năm - từ 20 lên 25 năm, bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt hơn trong quy định về bảo mật thông tin đăng ký thuốc nhằm hạn chế tối đa việc sản xuất các phiên bản thuốc gốc giá rẻ, duy trì ngày càng lâu vị thế độc quyền và giá độc quyền của các biệt dược mới phát minh.

* Trong gói kích cầu được hỗ trợ 4% lãi suất vay, ngành dược có được vay? Nếu vay thì nên đầu tư vào đâu?

- Trong tình hình hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các thuốc đặc trị, biệt dược có tác dụng chữa bệnh rõ rệt hơn là các sản phẩm không kê đơn (OTC) được sản xuất và bán tràn lan, giá rẻ nhưng chất lượng và hiệu quả đáng ngờ.

Cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực của thuốc thông qua tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng để thu hút người tiêu dùng là một trong những biện pháp “tự kích cầu” mà từng DN có thể chủ động làm, không trông chờ ỷ lại vào chính sách.

Chiếc phao cứu sinh trước mắt của các công ty dược trong nước chính là thị trường nội địa. Gói kích cầu của Chính phủ là “liều oxy” tiếp sức cho các DN. Theo thiển ý của tôi, đây là một cơ hội để các DN dược VN xem xét lại chiến lược sản xuất - kinh doanh và chiến lược đầu tư để bảo đảm thuốc sản xuất trong nước có được vị thế chắc chắn trong lòng người tiêu dùng.

Chỉ gói “kích cầu” cũng chưa đủ để giúp sức các DN dược vượt qua cơn khủng hoảng, mà còn cần được tiếp sức căn cơ hơn bằng các chính sách, quy chế, môi trường pháp lý và thủ tục hành chính thuận lợi.

KIM SƠN thực hiện

Không có nhận xét nào: