Thuốc tây giả tràn lan, xử lý ra sao?

Cơ quan chức năng quận Tân Phú, TP.HCM niêm phong các loại thuốc tây giả tại nhà đối tượng Huỳnh Văn Tiên ngày 13-8 - Ảnh: L.TH.H.
TT - Thuốc tây giả tràn lan là thực trạng nhức nhối lâu nay. Các cơ quan chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và phát hiện thuốc tây giả như thế nào? Việc xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất và mua bán thuốc giả ra sao? Những người có trách nhiệm và luật sư đã trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này.

Chuyển sang cơ quan điều tra

Dược sĩ Trần Thị Thanh Loan (phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM phụ trách về dược phẩm) cho rằng Sở Y tế là một thành viên trong Ban chỉ đạo 127 TP về phòng chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại. Vì vậy, sở này vẫn thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo định kỳ một năm hai lần và thanh tra đột xuất nhiều lần khi có đơn thư phản ảnh, có chỉ đạo của Bộ Y tế, thường nhất vẫn là phản ảnh từ đường dây nóng của người dân.

Bà Loan cho biết những năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện một số mặt hàng thuốc tây giả hoàn toàn không có hoạt chất, không có tác dụng điều trị như Clamoxyl loại 250mg dạng gói và loại 500mg dạng viên của Công ty GlaxoSmithKline đều không có hoạt chất amoxycilline, Terpin Codein dạng viên bao đường của Công ty Santé không có codein, Ery enfants 250mg dạng gói của Công ty Bouchara Recordati không có hoạt chất erythromycine, Néo-Codion dạng viên bao phim của Công ty Bouchara Recordati không có hoạt chất codein, Lincomycin 500mg của Công ty Mayer (hình tháp Effel) không có hoạt chất lincomycin...

Riêng sáu tháng đầu năm 2008 đã phát hiện hai mặt hàng giả Ampicillin 500mg của Công ty Mayer (hình tháp Effel) không có hoạt chất ampicillin, Augmentin 625mg của GlaxoSmithKline hoạt chất rất thấp và không đúng với hàm lượng augmentin của thuốc thật. Sở Y tế TP đã chuyển cả hai trường hợp thuốc giả này sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

Theo bà Loan, lâu nay vẫn luôn có sự phối hợp giữa Sở Y tế, cơ quan công an, quản lý thị trường…để phát hiện thuốc tây giả, thuốc nhập lậu cũng như thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Khi nghi ngờ thuốc giả là sở cho người đi lấy mẫu kiểm nghiệm ngay. Sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng xác định là thuốc giả, có dấu hiệu tội phạm, Sở Y tế TP.HCM sẽ chuyển hồ sơ vụ vi phạm sang cảnh sát điều tra Công an TP để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bà Loan nhấn mạnh: Sở Y tế TP chỉ được quyền đi kiểm tra những nơi do ngành y tế cấp phép như các nhà thuốc, hiệu thuốc, đại lý thuốc, công ty dược phẩm... và không có chức năng khám nhà, tạm giữ người hay phương tiện vận chuyển. Trong khi việc sản xuất, kinh doanh thuốc tây giả lại thường xảy ra ở những nơi không do sở cấp phép.

Bà Loan cho rằng kinh nghiệm vừa qua cho thấy việc phòng chống thuốc giả cần có sự phối hợp liên ngành. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế cần chú trọng thanh tra, kiểm tra những điểm kinh doanh không có giấy phép, những xe vận chuyển thuốc lậu để phát hiện thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc. Đồng thời điều tra, trinh sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghi ngờ có sản xuất, kinh doanh thuốc giả...

Có thể bị tử hình

Luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu rõ: theo điều 157 Bộ luật hình sự, đối với trường hợp sản xuất, buôn bán lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả thì khi phát hiện đối tượng vi phạm có thể bị truy tố ngay mà không phải qua bước xử lý hành chính. Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt, người dùng thuốc giả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp người bán không biết mình bán thuốc giả thì không có tội, nếu cơ quan chức năng chứng minh người bán biết rõ là thuốc giả nhưng vẫn bán, không cần biết vì mục đích lợi nhuận hay mục đích nào khác thì bị xử lý.

Luật sư Phạt nói: “Về nguyên tắc, người sản xuất và người bán thuốc giả đều bị xử lý như nhau. Theo quy định, trường hợp vi phạm ở mức nhẹ thì bị xử từ 2-7 năm tù giam. Nếu vi phạm một trong các hành vi sau: có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, tái phạm nhiều lần, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan tổ chức... gây hậu quả nghiêm trọng thì mức xử phạt tăng lên 5-12 năm tù.

Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì mức phạt tù từ 12-20 năm. Trong trường hợp người sản xuất, buôn bán thuốc giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền bổ sung từ 5-50 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội (do thu lợi bất chính). Luật cũng quy định: cấm người phạm tội đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề từ 1-5 năm”.

Theo luật sư Phạt, căn cứ theo những gì mà báo Tuổi Trẻ phản ánh trong bài “Tràn lan thuốc giả” (ngày 9-9) thì những người làm thuốc giả nêu trong bài báo thuộc dạng sản xuất có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, sản xuất với số lượng lớn và làm thuốc giả rất tinh vi, khó phân biệt được với thuốc thật. Đặc biệt, họ còn bán thuốc giả này ở nhiều nơi, có hệ thống phân phối tiêu thụ... thì rõ ràng đã gây hậu quả không nhỏ cho người sử dụng.

LÊ THANH HÀ - PHÚC HUY thực hiện

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM:

Ngành y tế làm chưa tốt

Một trong những biện pháp phòng chống thuốc giả hiệu quả là phải thực hiện nhà thuốc GPP (thực hành nhà thuốc tốt). Bởi thuốc bán ở các nhà thuốc GPP có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ đàng hoàng. Tất nhiên, người ta vẫn có thể làm giả được hóa đơn chứng từ nhưng dẫu sao việc thực hiện nghiêm túc hóa đơn chứng từ sẽ không chỉ kiểm soát được chất lượng thuốc mà còn kiểm soát được giá cả.

Theo phân cấp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (Bộ Y tế) giám sát chất lượng đầu nguồn (các đơn vị sản xuất, nhập khẩu), còn các trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm của TP và các tỉnh giám sát cuối nguồn (các cơ sở phân phối, bán lẻ). Tuy nhiên, thị trường thuốc hiện rất phức tạp vì thuốc mang lại lợi nhuận quá lớn. Đa số thuốc bị làm giả là các loại thuốc ngoại, thuốc có giá trị cao.

Một mình thanh tra Sở Y tế khó có thể thanh tra, kiểm tra, phát hiện các đối tượng sản xuất, mua bán thuốc giả. Đây là một vấn nạn, ngành y tế cũng đã cố gắng hết sức nhưng thật sự đến giờ chúng tôi làm còn chưa tốt. Vì vậy, trước tiên người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách mua thuốc ở những địa chỉ có uy tín, nên mua ở những nhà thuốc GPP hoặc mua ở bệnh viện, có toa bác sĩ đàng hoàng.

L.TH.H.

Không có nhận xét nào: