Thuốc giả ngày càng tinh vi

Theo cảnh sát quốc tế (Interpol), số lượng mẫu thuốc giả phát hiện ở Việt Nam rất cao (406 mẫu), đứng thứ nhì so với các nước trong khu vực và tình hình đang phức tạp vì thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, rất giống thuốc thật

Người trong cuộc cũng không phân biệt nổi

Bệnh nhân phải tự bảo vệ mình bằng cách chọn nhà thuốc có đủ uy tín để mua thuốc. Ảnh: H.T

Thanh tra sở Y tế cho biết: thuốc giả được phát hiện có nhiều dạng khác nhau, từ không có hoạt chất (ampicilline của Mayer); hoạt chất rất thấp không đúng với hàm lượng thuốc thật (augmentin của GSK); cạo sửa hạn dùng (depersolon); thuốc không có số đăng ký (dogmatil của Sanofi-Synthelabo); mạo tên hoặc kiểu dáng công nghiệp. Không chỉ tân dược, đông dược cũng bị làm giả, như: Cota xoang (công ty TNHH DP Công Tâm) bị làm giả dưới hình thức gian lận thương mại; phong thấp tê bại tán (cơ sở sản xuất Tạ Uyên) bị giả nhãn hiệu; hay thuốc dân tộc cứu nhân vật (còn gọi là “thuốc đông dược dân tộc”) có năm thành phần thuốc tân dược không được công bố trên nhãn.

Dược sĩ Trần Thị Thanh Loan, phó chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM, thừa nhận công tác phòng chống thuốc giả hiện gặp nhiều khó khăn vì thuốc được sản xuất rất tinh vi, có mẫu mã bao bì giống thuốc thật đến nỗi ngay cả dược sĩ cũng không thể phân biệt. Một dược sĩ phụ trách bộ phận sở hữu trí tuệ công ty Sanofi-Aventis, cho biết mặt hàng theralene của công ty bị làm giả rất nhiều lần, đến nay, thuốc giả được làm tinh vi đến độ chính nhân viên công ty cũng khó phân biệt!

Tự bảo vệ mình trong cuộc chiến chống thuốc giả!

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, với số vụ thuốc giả phát hiện mỗi năm, người ta cho rằng chuyện không có gì ầm ĩ, hoặc ngành chức năng không đủ sức phát hiện. Theo bà Lan, công tác phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ của các cơ quan như: sở y tế, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, công an thành phố, hải quan, bộ đội biên phòng, nhưng thực tế, việc phối hợp kiểm tra liên ngành vẫn chưa chặt chẽ. DS Thanh Loan cho biết, thuốc giả thường bị phát hiện trong hình thức sau: sản xuất, kinh doanh ở những cơ sở lậu không do sở y tế cấp phép; thuốc vận chuyển trên các xe vận tải, xe đò, và như thế, trong trường hợp này, ngành y tế cũng “bó tay” vì không có chức năng kiểm tra nhà, tạm giữ người, phương tiện vận chuyển. Trong khi đó, PGS-TS Trương Văn Tuấn, chủ tịch hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM, lưu ý một khía cạnh mà các ngành chức năng bỏ qua là: chưa quản lý việc mua bán, giao nhận các thiết bị sản xuất thuốc, nguyên liệu dùng làm thuốc, bao bì đóng gói thuốc (chai lọ, vỉ thuốc, hộp giấy). Ở Việt Nam hiện nay, những thiết bị, nguyên liệu trên được mua, bán khá dễ dàng, không ai kiểm soát.

Do đó, theo PGS-TS Phong Lan, người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc ở những nhà thuốc lớn, có uy tín và phải có hoá đơn mua bán rõ ràng. Toàn thành phố hiện có 63 nhà thuốc đạt chuẩn GPP (19 nhà thuốc bệnh viện, 44 tiệm thuốc trong cộng đồng), đây là cơ sở cho việc lưu thông, phân phối thuốc được kiểm soát, thuốc giả khó lọt vào được. “Không ai chết vì mang một túi xách giả, hay mặc một chiếc áo thun nhái nhãn hiệu, nhưng hoàn toàn có thể chết vì một loại thuốc giả”, đó là thông điệp của tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì thế tự bảo vệ mình vẫn là cách tốt nhất trong cuộc chiến chống thuốc giả.

Châu Giang

Không có nhận xét nào: